Doanh nghiệp Việt Nam hành động vì Môi trường
Doanh nghiệp Việt Nam hành động vì Môi trường
  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Dự án
  • Ngân hàng ý tưởng
  • Thành viên
  • Tin tức & Sự kiện
  • Liên hệ
  • English

PROJECTS

10
Sep
Đưa nông nghiệp nổi từ Bangladesh đến Việt Nam

By: vb4e

Comments: 0

Đưa nông nghiệp nổi từ Bangladesh đến Việt Nam

Nông nghiệp nổi là tập quán lâu đời ở Bangladesh. Bài viết dưới đây của chuyên gia Haseeb Md. Irfanullah thuộc IUCN Bangladesh về việc đưa hệ thống canh tác truyền thống nổi tiếng này tới Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đổi thay ở Đồng bằng sông Cửu Long

An Giang và các tỉnh lân cận đang thực hiện hệ thống nông nghiệp ‘3 năm 8 vụ’: vào năm thứ ba trong chu kỳ 3 năm thì các cánh đồng sẽ không canh tác trong thời gian thường trồng cấy vụ thứ ba để nước lũ tràn vào ruộng bổ sung chất dinh dưỡng cho đất.

Nếu các vùng ngập lũ có thể mang lại lợi ích kinh tế ở mức chấp nhận được thông qua các phương thức nông nghiệp thay thế sáng tạo thì lũ lụt nên được đưa vào ruộng thường xuyên hơn để cải thiện độ phì của đất. Theo cách này, ĐBSCL, từng là vùng ngập lũ tự nhiên, có thể phần nào trở lại trạng thái ban đầu.

Sau bốn thập kỷ thâm canh lúa, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Do đó, chính sách an ninh lương thực ‘ưu tiên trồng lúa’ cần được xem xét lại, tạo cơ hội cho canh tác thay thế và đổi mới hệ thống nông nghiệp.

Để khai thác những cơ hội này, gần đây văn phòng IUCN Việt Nam đã bắt đầu các sáng kiến ​​nhằm xác định, thử nghiệm và thúc đẩy nông nghiệp dựa vào lũ lụt ở ĐBSCL.

Là một phần của dự án này, IUCN tại Việt Nam và Bangladesh làm việc cùng nhau để thí điểm mô hình nông nghiệp nổi ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Nông nghiệp truyền thống từ Bangladesh

Nông nghiệp nổi là phương thức truyền thống ở khu vực trung nam Bangladesh. 20 năm qua, IUCN, các tổ chức phi chính phủ và chính phủ Bangladesh đã và đang xúc tiến phương thức này ở các vùng khác nhằm tăng cường an ninh dinh dưỡng và tạo sinh kế thay thế, giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Công nghệ cơ bản rất đơn giản: sử dụng cây lục bình có sẵn để kết lại thành giàn nổi dày và phân hủy theo thời gian. Cây con giống được ươm, cây trồng canh tác luôn trên chính mặt giàn nổi thối rữa trong suốt thời gian lũ lụt vốn không dễ tìm ra đất nền khô.

Giới thiệu nông nghiệp nổi cho Việt Nam

Mới đây, tôi chia sẻ kinh nghiệm của Bangladesh về nông nghiệp nổi trong vài thập kỷ qua với một nhóm các nhà nông nghiệp, nông dân, giới chức chính phủ, học giả và nhà nghiên cứu từ An Giang và các tỉnh lân cận.

Sau đó là buổi tập huấn về chuẩn bị mặt giàn nổi và kỹ thuật canh tác. Cuối cùng, một cuộc trình diễn thực tế về làm nền giàn nổi, gieo hạt và chuyển cây con được thực hiện ở huyện Tri Tôn, trên diện tích mặt nước phía sau một trang trại của Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang (ANTESCO) – đối tác của IUCN.

Tôi đã thảo luận thẳng thắn với nhóm về thực tế rằng dù đã được IPCC, UNFCCC và FAO công nhận, nông nghiệp nổi cũng có một số hạn chế cố hữu như phụ thuộc vào mức độ sẵn có của lục bình, lũ đến và thời kỳ tồn tại của lũ, độ nhạy cảm của giàn nổi trước thiên tai và ô nhiễm nước lũ.

Bangladesh cũng nhìn ra được một số thách thức ảnh hưởng đến thành công của nông nghiệp nổi tại những khu vực mới áp dụng mô hình, chẳng hạn như bỏ qua bước nghiên cứu và đánh giá trong khi giới thiệu sáng kiến hoặc không tính đến mô hình kinh doanh để duy trì hoạt động nông nghiệp này ra ngoài phạm vi ban đầu của dự án.

Áp dụng vào hành động

Lắng nghe kinh nghiệm của Bangladesh, nhóm Việt Nam tìm hiểu những thách thức và cơ hội tiềm tàng cho canh tác nổi ở ĐBSCL.

Những năm gần đây, đặc biệt là trong mùa lũ, khu vực này phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động. Do đó, chi phí nhân công cao được xác định là một thách thức đối với việc làm nền giàn nổi. Để khắc phục điều này, các giải pháp thay thế cho ‘mô hình nền lục bình dày’ của Bangladesh được đề xuất.

Các giàn nổi được làm bằng cách buộc các thân cây chuối lại với nhau, trên đó sẽ rải một lớp mỏng lục bình rữa nát để trồng trọt. Các giàn bằng tre cũng có thể được sử dụng và tái sử dụng hàng năm để rải lớp lục bình mỏng hơn, giảm chi phí làm nền.

Canh tác nổi có thể là trở thành vụ chính hay không cũng đã được thảo luận. Một mô hình đã được đề xuất là nông dân nghèo có thể nâng cao tay nghề làm giàn nổi để bán cho những nông dân có điều kiện kinh tế hơn.

Để hệ thống nông nghiệp này có lợi nhuận, cây trồng có giá trị cao cần được canh tác trên các giàn nổi. Những khu vực tiềm năng khác ở ĐBSCL cũng được tìm hiểu xem nơi nào nên xúc tiến hệ thống này trong cộng đồng không có nhiều lựa chọn sinh kế.

Hợp tác ở hai cấp tạo cơ sở vững chắc cho việc canh tác nổi ở Việt Nam – điều còn thiếu ở Bangladesh. Trước hết, khi tôi viết bài báo này, Đại học Khoa học Tự nhiên đang thử nghiệm nồng độ kim loại nặng trong nền nổi cũng như trong các loại rau trồng trên đó để xác định khả năng tích tụ nguyên tố độc hại.

Thứ hai, quan hệ đối tác giữa IUCN và ANTESCO khiến dự án thí điểm – bao gồm các hoạt động đào tạo, trình diễn thực địa và chăm sóc cây con trên nền giàn nổi – trở nên khả thi. Thu hút những công ty khác quan tâm đến mô hình này sẽ thúc đẩy nông nghiệp dựa vào lũ lụt ở Khu vực Mê Kông.

Thí điểm nông nghiệp nổi ở Việt Nam, với sự hợp tác của Bangladesh, là ví dụ điển hình về cách các quốc gia ở nam bán cầu có thể giúp đỡ lẫn nhau qua chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm và chuyên môn.

Dự án thí điểm nông nghiệp nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long do IUCN Việt Nam hỗ trợ với nguồn tài trợ từ Sáng kiến ​​Khí hậu Quốc tế (IKI) và Quỹ Coca Cola. Các chuyên gia Andrew Wyatt, Tăng Phương Giản và Tiền Trinh thuộc IUCN Việt Nam đã lên ý tưởng, lập kế hoạch và tổ chức thí điểm với sự hỗ trợ từ chuyên gia Haseeb Md. Irfanullah thuộc IUCN Bangladesh.

24
Jun
Cơ hội mới huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào bảo tồn đa dạng sinh học thông qua “Biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác”

By: vb4e

Comments: 0

Cơ hội mới huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào bảo tồn đa dạng sinh học thông qua “Biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác”

 

Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên Môi trường (ISPONRE), Bộ Tài nguyên Môi trường và Công ty Cổ phần Tập đoàn TH tổ chức hội thảo về “Cơ hội mới huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam” được tổ chức tại khách sạn Novotel, Hà Nội.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E) – một sáng kiến kết nối giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội với mục đích tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại Việt Nam. Mục đích của hội thảo là (i) giới thiệu về các “Biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác” viết tắt là OECMs tới các bên liên quan và (ii) thảo luận hỗ trợ OECM như là cơ hội mới thúc đẩy sự tham của doanh nghiệp và ghi nhận những nỗ lực của họ trong công bảo tồn đa dạng sinh học.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 1976 đặt mục tiêu đến năm 2020 mở rộng tổng diện tích rừng đặc dụng lên 2,4 triệu héc-ta (khoảng 7% diện tích tự nhiên của cả nước) và đến nay mục tiêu này cũng hầu như đã đạt được. Tuy nhiên, hầu như không có triển vọng nào cho thấy Việt Nam có thể đạt được mục tiêu 17% diện tích đất liền được bảo vệ vào năm 2020 như Mục tiêu Aichi 11 đã xác định:

 

Tại Hội nghị Các bên (COP) ở Nagoya năm 2010, các Bên trong công ước CBD, bao gồm Việt Nam, đã công nhận các biên pháp bảo tồn mới là phương thức bổ sung cho nỗ lực thành lập các khu bảo tồn chính thức. Điều này mở ra cho Việt Nam một cơ hội mở rộng và liên kết các mạng lưới bảo tồn của quốc gia thông qua việc xây dựng và chính thức công nhận các OECMs.

Trên thế giới, các OECM là một cơ hội để công nhận và đóng góp cho việc bảo tồn tính đa dạng sinh học bên ngoài các khu bảo vệ. OECM có thể bao gồm nhiều loại hình quản trị khác nhau và có thể được quản lý bởi người bản địa, cộng đồng địa phương, doanh nghiệp và chính phủ hoặc có thể được quản lý bởi nhiều bên.

IUCN đang xây dựng các hướng dẫn để công nhận và báo cáo các OECM; dự thảo phương pháp luận để xác định các OECM. Bộ TN&MT là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học và đóng vai trò quan trọng thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học trên cả nước, trong đó bao gồm các khu vực OECM bên ngoài hệ thống khu bảo tồn. Trong thời gian tới, Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi sẽ được trình để Quốc hội thông qua vào năm 2020, và Luật Đa dạng Sinh học cũng đang có kế hoạch sửa đổi, và đây là các cơ hội để định dạng OECM trong luật.

Nếu như được công nhận chính thức trong Luật, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các nhóm nông dân, các ban quản lý rừng, chính quyền các tỉnh và các cá nhân/tổ chức đang quản lý các quỹ đất rộng lớn với các giá trị đa dạng sinh học sẽ cần phải phối hợp chặt chẽ để xác định các OECM tiềm năng này.

Tiếp cận này sẽ không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng các cam kết bảo tồn với cộng đồng quốc tế mà còn cho phép bảo vệ thêm những sinh cảnh có tính đa dạng sinh học cao nhất nhưng lại đang bị đe dọa như các vùng núi đá vôi bị cô lập, các vùng đồng cỏ ngập nước theo mùa, các bãi bùn ven biển vốn đang có ít đại diện trong hệ thống khu bảo vệ chính thức hiện thời. Bên cạnh đó, các OECM cũng đem lại cơ hội công nhận sự đóng góp cho bảo tồn đa dạng sinh học của doanh nghiệp, cộng đồng thông qua việc nâng cao hiệu quả quản lý chính vùng đất mà họ đang được trao quyền sử dụng.

Hội thảo được tổ chức với sự tham gia của đại diện các vụ có liên quan từ Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp và báo chí.

Đây là lần đầu tiên OECMs được giới thiệu rộng rãi và thảo luận với các bên liên quan tại Việt Nam. Do đó, hội thảo này sẽ là cơ hội để các bên trao đổi những OECM tiềm năng do doanh nghiệp quản lý, góp phần ghi nhận những nỗ lực bảo vệ môi trường của họ cũng như lồng ghép OECMs vào chính sách nhằm tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng vào bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam.

16
Jun
“Mắt Xanh” – những nhà truyền lửa cho dự án “Thanh niên vì Môi trường”

By: vb4e

Comments: 0

“Mắt Xanh” – những nhà truyền lửa cho dự án “Thanh niên vì Môi trường”

Sáng 27/5, Quỹ Vì Tầm vóc Việt công bố Dự án “Thanh niên vì Môi trường”. Nòng cốt của dự án là 8 “trai tài, gái sắc” đến từ các trường đại học tại Hà Nội được quy tụ trong nhóm “Mắt Xanh”.

Dự án “Thanh niên vì Môi trường” của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đã vượt qua 82 ứng viên trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để lọt vào top 13 sáng kiến nhận tài trợ của Asia Pacific Media Grant 2020 (Earth Journalism Network – EJN) và Ngân hàng TMCP Bắc Á.

Dự án nhằm tăng cường sự tham gia của thanh niên trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, đồng thời tạo ra những thay đổi tích cực trong chính sách về môi trường của chính phủ và doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững.

Qua nhiều vòng tuyển chọn, dự án lựa chọn được 8 thành viên “Mắt Xanh” là các sinh viên đến từ các trường Đại học trên địa bàn TP Hà Nội (Học viện Báo chí và tuyên truyền, Đại học Luật, Đại Học RMIT…).

Các thành viên sẽ tham gia vận hành, phát triển kênh truyền thông xã hội (trước mắt là Fanpage Facebook mang tên Mắt Xanh) nhằm lan tỏa các thông điệp về bảo vệ môi trường.

Nhóm cũng sẽ sản xuất và biên tập các sản phẩm truyền thông, bài viết, hình ảnh, video clip, đồ họa để nâng cao nhận thức của cộng đồng và các bên liên quan và thúc đẩy hành động giải quyết các thách thức về môi trường. Theo kế hoạch, nhóm sẽ phát triển lên con số 200 thành viên nòng cốt trong năm 2020.

Trong buổi Hội thảo công bố dự án, nhiều hoạt động sôi nổi đã được tổ chức.

Tám thành viên nhóm “Mắt xanh” thể hiện tiểu phẩm “Người chó – Chó người” với các tình tiết gây cười nhưng cũng có cảnh lấy nước mắt người xem. Câu chuyện xoay quanh câu chuyện một thanh niên cùng chú cho Lu sống nhờ vào việc nhặt rác ở bãi rác có tên là Nam Sơn đối đầu với một “nhóm anh chị” rải chất độc quanh bãi rác để đầu độc cây cối, hoa màu để đua dân đi.

Cao trào khi cậu chủ bị đánh và chú Lu bỗng biết nói tiếng người nhưng cuối cùng chú Lu cũng bị đánh chết ngay giữa bãi rác khiến cho cậu chủ hóa điên. Lối diễn xuất của các nghệ sỹ không chuyên này cũng được khán giả đánh giá là trẻ trung, nhiều cảm xúc và khoát hoạt.

Bạn Nguyễn Hải Phong, sinh viên trường Đại Học RMIT, cơ sở Hà Nội, thành viên nhóm “Mắt Xanh” cho biết, nhiều người cho rằng, những việc họ làm không đủ để làm hại môi trường. Một số người lại cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước. Vì thế, dự án sẽ là nơi để gắn kết những bạn trẻ có tình yêu, trách nhiệm bảo vệ môi trường.

“Dù mới đi vào hoạt động, nhưng dự án đã nhận được sự quan tâm của nhiều người. Chúng em hy vọng sẽ có thêm nhiều bạn học sinh, sinh viên tham gia, chung sức cùng nhóm”, Phong nói thêm.

Tại lễ ra mắt, dự án cũng được nghe nhiều ý kiến chia sẻ, đóng góp của các chuyên gia trong nước và quốc tế như bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Tổ chức sống và học tập vì môi trường và cộng đồng, ông Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, bà Nguyễn Thị Thùy Anh, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN),…

Bà Trần Thị Như Trang, Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt phát biểu tại hội thảo

Bà Trần Thị Như Trang, Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt cho biết, ngoài việc quan tâm đến vấn đề nội dung, dự án sẽ tập trung vào việc thể hiện nội dung phương thức truyền thông hiện đại, trẻ trung để các thông điệp đủ sức lay động các bạn thanh niên, sinh viên.

Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo chia sẻ dự án “Thanh niên vì Môi trường”, một hoạt động đặc biệt đã thu hút nhiều đại biểu, khách mời tham gia. Theo đó, các đại biểu, khách mời cùng nhau gắn lên những chiếc lá yêu thương nhằm gửi gắm các thông điệp về bảo vệ môi trường. Mỗi chiếc lá gắn lên tựa như những nỗi trăn trở đối với vấn đề ô nhiễm môi trường hay cũng có thể là những lời cam kết cho những hành động xanh.

Mắt Xanh là fanpage chính thức của dự án “Thanh niên vì môi trường – Youth for environment”. Dự án do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (Website http://vitamvocviet.vn, [email protected]) vận hành.

26
Mar
Thanh niên vì môi trường: Truyền thông mạng xã hội đổi mới sáng tạo về các vấn đề môi trường

By: vb4e

Comments: 0

Thanh niên vì môi trường: Truyền thông mạng xã hội đổi mới sáng tạo về các vấn đề môi trường

 

Mục đích

Mục đích của dự án là đẩy mạnh tiếng nói và hành động của thanh niên đối với các vấn đề môi trường và tạo ra các thay đổi tích cực về chính sách liên quan đến doanh nghiệp vì một cuộc sống bền vững hơn thông qua 2 giải pháp mang tính chiến lược:

  1. Hỗ trợ thanh niên phát triển kênh mạng xã hội với các công cụ đổi mới sáng tạo để trao đổi về các vấn đề môi trường một cách chính xác và thuyết phục;
  2. Xây dựng quan hệ đối tác và mạng lưới liên kết giữa trang mạng xã hội của thanh niên với các bên liên quan khác, ví dụ như nhà hoạch định chính sách, nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động môi trường và các doanh nghiệp.

Cơ sở thực hiện dự án

Việt nam – một quốc gia đang phát triển ở châu Á – hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan tới môi trường như ô nhiễm đất, suy thoái các tài nguyên rừng, mất cân bằng đa dạng sinh học, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, và quản lý rác thải rắn. Trong khi đó, Việt Nam lại thiếu các phương tiện thông tin và dữ liệu môi trường đa chiều, chính xác và kịp thời. Chính vì vậy, không có sự liên kết giữa thực trạng môi trường và truyền tải thông tin tới công chúng dẫn tới việc thiếu hiệu quả trong giáo dục và truyền thông cho cộng đồng và các tổ chức liên quan cách bảo tồn tốt nhất cho môi trường xung quanh họ và bảo vệ người dân một cách an toàn. Dựa vào nghiên cứu sơ bộ, các sáng kiến và hành động liên quan tới các vấn đề môi trường  đã và đang được tạo ra và phân tán trên các nền tảng trực tuyến, tuy nhiên thông tin này yêu cầu việc chọn lọc một cách có tính hệ thống để truyền thông tới cộng đồng.

Nhiều người trẻ ở Việt Nam chưa từng tham gia vào các cuộc thảo luận về những thách thức môi trường. Một vài nhóm các bạn trẻ đã từng chủ động khích lệ cộng đồng của họ tham gia vào việc đấu tranh bảo vệ môi trường, tuy nhiên, họ chỉ tập hợp theo quán tính những người có chung lý tưởng với họ mà chưa huy động được các bên liên quan khác tham gia. Với khả năng sử dụng công nghệ và tư duy sáng tạo tuổi trẻ, một cuộc đàm thoại qua một kênh mạng xã hội sẽ là cách tuyệt vời để tạo kết nối giữa những người trẻ với cộng đồng. các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp. Trang mạng xã hội này sẽ giúp cho các nhà hoạt động trẻ tuổi ở các vùng nông thôn không bị bỏ ngoài cuộc do sự cách biệt về địa lý để trở thành một phần của cộng đồng phát triển môi trường bền vững. Đặc biệt, đây là chìa khóa cho những bạn trẻ ở nông thôn nói lên tiếng nói hết sức quan trọng của họ, những người có thể đối mặt với các thách thức khắc nghiệt liên quan tới suy thoái môi trường.

Với những lý do trên, rõ ràng là rất cần một dự án để hỗ trợ thanh niên phát triển kênh mạng xã hội để thông báo về các vấn đề về môi trường một cách chính xác và thuyết phục; đẩy mạnh hợp tác và liên kết mạng lưới giữa thanh niên và các bên liên quan khác.

Quỹ Vì Tầm vóc Việt (VSF) đóng vai trò hiệu quả trong việc kết nối giữa các nhà hoạt động trẻ tuổi và các bên liên quan. VSF hiện nay đã xây dựng một dự án có tên gọi “Nâng cao năng lực và kết nối cho sinh viên đại học” – Sáng kiến DynaGen. Hơn nữa, VSF còn là thành viên của Ban điều phối quốc gia thuộc Liên minh Doanh nghiệp vì môi trường Việt Nam (VB4E) – một nền tảng để đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Đối tượng

  • Thanh niên và các cộng đồng bị ảnh hưởng hoặc có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về môi trường;
  • Phóng viên, nhà báo và các cơ quan truyền thông đa phương tiện khác;
  • Các doanh nghiệp;
  • Các nhà hoạch định và thực hiện chính sách:
  • Các nhà nghiên cứu và nhà hoạt động xã hội.

Kết quả đầu ra

Kết quả đầu ra: Kênh mạng xã hội thu hút được 200 người trẻ tham gia và đạt mức trung bình 3000 người xem trên mỗi bài đăng; Các bên liên quan như doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và nhà hoạt động xã hội đã có những cuộc thảo luận mở và trực tiếp với nhóm “Tiếng nói của Thanh niên”: 10 tổ chức truyền thông đã trở thành đối tác của chúng tôi.

Mục tiêu dài hạn: Giới trẻ trở thành những người tạo nên sự thay đổi nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và các bên liên quan, cùng với đó là hành động nhằm giải quyết các thách thức về môi trường: Các bên liên quan có những hành động cụ thể và các cam kết dài hạn về giải quyết các vấn đề về môi trường.

Đối tác

  • Quỹ Báo chí Châu Á – Thái Bình Dương 2020
  • Mạng lưới Báo chí và truyền thông Trái Đất
  • Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN)
  • Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E)
  • Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc A (BAC A BANK)

Thông tin liên hệ

Bà Trần Hồng Diệp – Phó Giám đốc

Quỹ Vì tầm vóc Việt (VSF)

Email: [email protected]

SDT: (+84) 24 3823 8008

Website: http://vitamvocviet.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/quyvitamvocviet

26
Apr
Xây dựng quan hệ đối tác IUCN – INSEE về xây dựng các tiêu chuẩn môi trường các mỏ đá xi măng.

By: vb4e

Comments: 0

Xây dựng quan hệ đối tác IUCN – INSEE về xây dựng các tiêu chuẩn môi trường các mỏ đá xi măng.

 

 

Mục đích

Mục đích của quan hệ đối tác này là triển khai thực hiện các tiêu chuẩn phát triển bền vững cho các mỏ đá của INSEE tại Hòn Chông cũng như đưa ra hướng dẫn cải thiện các tác động môi của ngành sản xuất xi măng đối với môi trường.

Cơ sở thực hiện dự án

Tập đoàn xi măng Siam City, được biết tới ở Việt Nam là INSEE, hợp tác với IUCN để bảo tồn đa dạng sinh học xung quanh các khu vực mỏ đá ở Campuchia, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam. Thỏa thuận này là thành quả của quan hệ đối tác 10 năm giữa 2 tổ chức. Từ năm 2008, INSEE và IUCN đã thực hiện nhiều dự án bảo tồn đa dạng sinh học đáng chú ý ở huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Mục tiêu dự án:

Thỏa thuận hợp tác này nhằm:

  • Lồng ghép hoạt động khai thác với bảo tồn thông qua việc kết hợp các biện pháp giảm thiểu/tránh các khu vực khai thác hoặc bồi hoàn ở bên ngoài cho những khu vực chịu các tác động không thể tránh khỏi về môi trường
  • Tìm hiểu, xác định và xây dựng các sáng kiến chung của địa phương vì lợi ích và mục đích chung đặc biệt là hỗ trợ sinh kế bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học.
  • Đẩy mạnh các thực hành tốt thông qua chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp khác trong ngành và các cộng đồng bảo tồn trong khu vực.

Kết quả đầu ra

  • Đánh giá và cập nhật Kế hoạch Hành động Đa dạng sinh học (BAP) cho các mỏ đá và các vùng phụ cận;
  • Xây dựng bản đồ đa dạng sinh học cho Khu vực đá vôi đồng bằng sông Mê Kông bao gồm Hòn Chông và vùng đồng bằng sông Mê Kông:
  • Làm bài viết dạng hình ảnh về đa dạng sinh học Khu vực núi đá vôi đồng bằng sông Mê Kông.
27
Mar
Dự án sinh kế dựa trên đồng lũ của IUCN nhằm hỗ trợ chiến dịch giữ nước cho Đồng bằng sông Mê Kông được tài trợ bởi Coca Cola

By: vb4e

Comments: 0

Dự án sinh kế dựa trên đồng lũ của IUCN nhằm hỗ trợ chiến dịch giữ nước cho Đồng bằng sông Mê Kông được tài trợ bởi Coca Cola

 

Mục đích

Dự án nhằm mục đích đào tạo và hỗ trợ nông dân ở các tỉnh Đồng Tháp, Long An, và An Giang ở Đồng bằng sông Mê Kông lựa chọn các sinh kế phù hợp về mặt tài chính, ít rủi ro và dựa vào lũ nhằm thay thế phương pháp canh tác lúa 3 vụ không bền vững. Các kết quả sẽ đươc nhân rộng quy mô lên các khu vực thượng lưu của đồng bằng bằng cách lồng ghép dự án vào các kế hoạch mới về sử dụng nước và đất ở cấp tỉnh trong Chiến lược giữ nước cho các tỉnh đồng bằng sông Mê Kông được đề xuất bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) và các sáng kiến khác nhằm đối phó với tác động của biến đổi khí hậu.

  Cơ sở thực hiện dự án

Sự hợp tác giữa IUCN và Coca Cola được bắt đầu từ ý tưởng “Monkey Cheeks” được tài trợ bởi Coca Cola ở Thái Lan, một dự án tập trung cải thiện quản lý tài nguyên nước ở cộng đồng địa phương. Ở Việt Nam, cùng chung ý tưởng nhưng dự án được sửa đổi để hỗ trợ ý tưởng về trữ lũ hay giữ nước đã nhận được sự quan tâm từ các cán bộ cấp cao, coi đây như là một trong những cách để giảm bớt tình trạng hạn hán và lũ lụt cực đoan ở Đồng bằng sông Mê Kông.

Trong những năm gần đây, đồng bằng đã trở nên cực kỳ dễ bị tổn thương với các tác động từ các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ, hạn hán và mực nước biển dâng cao dẫn tới hiện tượng xâm nhập mặn. Tình hình này càng trở nên nghiêm trọng bởi các công trình kiểm soát nước như đê điều cao, kênh rạch và các cửa cống được xây dựng cho các hoạt động thâm canh nông nghiệp không bền vững như trồng lúa 3 vụ.

Mục tiêu dự án:

  • Các tỉnh Đồng Tháp, Long An, và An Giang sẽ là vùng thí điểm của dự án;
  • Đạt trên 450 héc ta khu vực sinh kế dựa vào đồng lũ, bảo tồn hoặc tái tạo sức chứa khoảng 6,7 tỷ m3 nước giữ lũ mỗi năm;
  • Nếu được nhân rộng trên quy mô lớn, dự án sẽ giúp khôi phục khoảng 4 tỷ m3 giữ nước bị mất trong giai đoạn 2000 – 2011.

Kết quả đầu ra

  • Hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân tạo ra các mô hình sinh kế dựa vào đồng lũ, xây dựng kế hoạch và chiến lược quản lý hạn hán và lũ lụt;
  • Phân tích chuỗi giá trị và thị trường nhằm thông báo cho nông dân và các nhà hoạch định có thẩm quyền cấp huyện về như cầu của thị trường;
  • Hỗ trợ kỹ thuật cho chính quyền cấp huyện để cập nhật kế hoạch sử dụng đất lồng ghép với các mô hình sinh kế dựa vào đồng lũ;
  • Củng cố các hệ thống cảnh báo sớm lũ lụt và hạn hán;
  • Tăng thu nhập của nông dân so theo mức đánh giá ban đầu trong khu vực 450 héc ta của hệ thống canh tác dựa vào đồng lũ;
  • Kiến thức kỹ thuật về sinh kế dựa vào đồng lũ, các chiến lược quản lý rủi ro, khả năng nhân rộng trên quy mô lớn hơn.
26
Mar
Nhiều dự án mới sẽ sớm được cập nhật!

By: vb4e

Comments: 0

  • 1
  • 2
Sidebar
  • Tin tức & Sự kiện
  • Tài liệu tải về

Website này được xây dựng với sự hỗ trợ tài chính của Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy điển (Sida) thông qua dự án Rác thải biển và Cộng đồng ven biển (MarPlasticcs) do IUCN thực hiện.

LIÊN HỆ

IUCN Việt Nam

Tầng 1, nhà 2A, Khu Ngoại giao đoàn Vạn Phúc, 298 Kim Mã, Hà Nội, Việt Nam
Tel: +84 (24) 3726 1575
[email protected]
Thứ Hai - Thứ Sáu: 8.00 - 17.00

Copyright © VB4E 2018. All rights reserved.

Created by: MDI