IUCN tham vấn về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)
Ngày 18/12/2020, IUCN phối hợp với Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) tổ chức hội thảo tham vấn các doanh nghiệp về Dự thảo Nghị định quy định Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Hội thảo do Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E), dự án MARPLASTICCs và quan hệ đối tác chiến lược IUCN-PROVN tài trợ, và thu hút 75 đại biểu đến từ các công ty, tổ chức tái chế, tổ chức phi chính phủ tham gia.
Sau khi Luật Bảo vệ Môi trường mới được thông qua vào tháng 11/2020, hội thảo này là cơ hội cho các doanh nghiệp và nhà sản xuất thảo luận về việc sẽ chịu trách nhiệm như thế nào đối với khâu xử lý phế thải của sản phẩm và chia sẻ kinh nghiệm làm sao để thân thiện hơn với môi trường.
Phát biểu mở màn, ông Jake Brunner, Trưởng nhóm IUCN Indo-Burma, trình bày chi tiết những thách thức về môi trường mà xã hội hiện đang phải đối mặt và cách thức hợp tác liên ngành hiệu quả để cải thiện vấn đề. Đồng thời nhấn mạnh kinh tế chính trị là rào cản lớn nhất đối với việc ban hành EPR hiệu quả vì có thể khó đảm bảo rằng tất cả các bên đều có động cơ tuân thủ một cách thích hợp.
Theo luật Bảo vệ Môi trường mới, các doanh nghiệp có thể thực hiện EPR theo một trong ba cách: (1) tự tái chế, (2) tái chế thông qua bên thứ ba là một Tổ chức tái chế sản phẩm (PRO) hoặc (3) đóng góp tài chính cho Quỹ Môi trường Việt Nam (VEF).
Bà Nguyễn Hoàng Phượng nêu lên các khía cạnh khác nhau của EPR áp dụng cho sáu lĩnh vực: thực phẩm và đồ uống, đồ điện, săm lốp, ắc quy, dầu nhờn và xe điện. Các cách thức EPR vận hành bao gồm từ việc thu hồi sản phẩm, đến trả tiền để thu gom phế thải và cung cấp nhiều thông tin hơn cho người tiêu dùng để nâng cao nhận thức.
Các bài học kinh nghiệm về EPR ở nước ngoài được ông Kim Ih Hwan chia sẻ cặn kẽ qua cách tiếp cận của Hàn Quốc có hiệu lực từ năm 2002. Theo đó, các quy định lập pháp về EPR tiến triển theo từng giai đoạn và Hàn Quốc cũng xử lý được vấn đề “những kẻ ăn không” không tuân thủ EPR.
Do EPR tăng cường trách nhiệm giải trình của các nhà sản xuất, câu hỏi được đặt ra để thực sự hiểu thành viên nào trong dây chuyền sản xuất phải chịu trách nhiệm giải trình và hành động của họ sẽ được giám sát ở mức độ nào.
Phần hỏi đáp tập trung vào tìm hiểu ai là nhà sản xuất và cách chúng ta xác định việc phân cấp trách nhiệm. Để giảm thiểu tình trạng không tuân thủ, các đại biểu đồng thuận rằng những công ty lớn nhất phải có trách nhiệm pháp lý cao nhất.
Dù rằng trong tương lai còn nhiều thách thức, EPR là điểm vượt trội luật môi trường trước đây, tạo cơ hội cho Việt Nam giải quyết vấn nạn suy thoái môi trường.
Bế mạc hội thảo, Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ TN & MT Phan Tuấn Hùng cảm ơn các đại biểu đã đóng góp ý kiến thiết thực và tin tưởng rằng EPR sẽ góp phần làm giảm tác động đến môi trường Việt Nam.